Mức đóng và đối tượng đóng kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn?

Trả lời:

Kinh phí công đoàn

Theo quy định, không phân biệt doanh nghiệp có tổ chức hay chưa có tổ chức công đoàn, tất cả doanh nghiệp đều phải đóng kinh phí công đoàn theo quy định. Nếu doanh nghiệp không đóng kinh phí công đoàn thì sẽ bị phạt tiền từ 18% – 20% tổng số tiền phải đóng nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng (Điu 37 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP).

Mức đóng: 2% của quỹ tiền lương làm căn cứ đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động (thuộc đối tượng phải đóng bảo bảo hiểm xã hội).

Phân phối:     Nếu doanh nghiệp có thành lập công đoàn cơ sở thì:

– Công đoàn cơ sở được giữ lại 70% tổng số thu kinh phí công đoàn

– Công đoàn cấp trên được sử dụng 30% tổng số thu kinh phí công đoàn

Đoàn phí công đoàn

Trường hợp doanh nghiệp có tổ chức công đoàn thì người lao động tham gia công đoàn đóng 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nhưng mức đóng đoàn phí hàng tháng tối đa chỉ bằng 10% mức lương cơ sở. Nếu người lao động không tham gia công đoàn thì không phải đóng đoàn phí công đoàn.

Phân phối:

– Công đoàn cơ sở được giữ lại 60% tổng số thu đoàn phí công đoàn

– Công đoàn cấp trên được sử dụng 40% tổng số thu đoàn phí công đoàn

Trường hợp doanh nghiệp KHÔNG có tổ chức công đoàn thì người lao động không phải đóng đoàn phí công đoàn và công đoàn cấp trên sẽ không thu, doanh nghiệp không phải nộp doàn phí cho công đoàn cấp trên.

Thời hạn nộp

Doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn (nếu có) mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.

Địa điểm nộp: Liên đoàn lao động quận/huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.

Từ ngày 1/1/2021, Doanh nghiệp có thể mua lại ngày phép chưa nghỉ hằng năm của người lao động trong trường hợp người này không nghỉ hết phép trong 1 năm hay không?

Trả lời

Sau 1/1/2021, Người Sử dụng lao động sẽ không được phép mua lại ngày phép chưa nghỉ của người lao động trong trường hợp người lao động không nghỉ hết phép năm nhưng không vì lý do mất việc hay thôi việc.

Trước năm 2021, để mua lại ngày phép năm của người lao động vào cuối năm, người sử dụng lao động vận dụng cụm từ “Hoặc vì lý do khác” tại Khoản 1 điều 114 Bộ Luật Lao động 2012.

Tuy nhiên, Bộ luật Lao động 2019 khi quy định về nội dung này, lại quy định như sau:

“Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.”

Như vậy, Bộ Luật Lao động 2019 đã cụ thể hóa và khẳng định rằng, chỉ trong trường hợp người lao động thôi việc hoặc bị mất việc làm thì Người Sử dụng lao động mới có thể thanh toán lại ngày phép chưa nghỉ cho người lao động này.