ĐIỂM MỚI THEO DỰ THẢO THÔNG TƯ THAY THẾ THÔNG TƯ 200/2014/TT-BTC, HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN DOANH NGHIỆP

Ngày 10/06/2024 Bộ Tài chính đã công bố dự thảo 2 – Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 200/20214/TT-BTC ngày 22/12/2014 về hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp.

Tại Dự thảo Thông tư (lần 2) thay thế Thông tư 200/20214/TT-BTC (điều 32. Hiệu lực thi hành) thì dự kiến Thông tư này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025 và áp dụng cho năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 1/1/2025. Thông tư này thay thế cho Chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành theo Thông tư 200/20214/TT-BTC, Thông tư 75/2015/TT-BTC và Thông tư 53/2016/TT-BTC.

  1. Sự Cần Thiết và Ý Nghĩa của Việc Thay Thế Thông Tư 200/2014/TT-BTC

Sau nhiều năm áp dụng, Thông tư 200/2014/TT-BTC đã bộc lộ những hạn chế, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Chế độ kế toán Việt Nam hiện nay chưa hoàn toàn phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, khiến các doanh nghiệp FDI gặp khó khăn trong việc áp dụng và tuân thủ.

Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 200 hướng đến việc điều chỉnh, tiệm cận với các chuẩn mực kế toán quốc tế, đồng thời tạo sự linh hoạt hơn cho các doanh nghiệp. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu các vướng mắc trong quá trình triển khai chế độ kế toán mà còn tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Trong dài hạn, Bộ Tài chính cũng sẽ nghiên cứu và triển khai các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) vào hệ thống kế toán tại Việt Nam, qua đó hướng tới một nền tảng kế toán đồng bộ và hiện đại hơn, phù hợp với xu thế toàn cầu.

  1. Tổng quan nội dung Thông tư thay thế Thông tư 200/2014/TT-BTC

2.1 Hệ Thống Biểu Mẫu Chứng Từ Kế Toán

Dự thảo Thông tư mới quy định rằng doanh nghiệp có quyền tự thiết kế biểu mẫu chứng từ kế toán, miễn là các mẫu này phải đảm bảo đầy đủ nội dung theo yêu cầu tại Khoản 1 Điều 16 của Luật Kế toán và phù hợp với đặc thù hoạt động cũng như yêu cầu quản lý của doanh nghiệp. Trường hợp không tự thiết kế, doanh nghiệp sẽ phải sử dụng các biểu mẫu và hướng dẫn có sẵn trong Phụ lục 3 của Thông tư.

Đối với các doanh nghiệp có các nghiệp vụ tài chính, kinh tế chịu sự điều chỉnh của các văn bản pháp luật khác, họ phải tuân thủ các quy định về chứng từ theo những văn bản pháp luật đó.

Ngoài ra, khi có sự thay đổi hoặc bổ sung các tài khoản kế toán, doanh nghiệp cần thông báo trước cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp thay vì phải chờ sự phê duyệt của Bộ Tài chính như quy định trong Thông tư 200 trước đây.

Lập và ký chứng từ kế toán phải đảm bảo:

  • Mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh phải lập chứng từ kế toán, chỉ lập 1 lần cho mỗi nghiệp vụ.
  • Chứng từ phải được lập rõ ràng, đầy đủ, kịp thời, chính xác.
  • Chữ ký trên chứng từ phải do người có thẩm quyền hoặc được ủy quyền ký, nghiêm cấm ký khi chưa ghi đủ nội dung.
  • Phân cấp ký chứng từ do người đại diện theo pháp luật quy định, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ và an toàn tài sản.
  • Kế toán trưởng hoặc người được ủy quyền không được ký “thừa ủy quyền” của người đứng đầu doanh nghiệp và người được ủy quyền không được ủy quyền lại cho người khác.

2.2 Hệ Thống Tài Khoản Kế Toán

     2.2.1 Xóa bỏ tài khoản: 6 tài khoản (TK) cấp 1: TK 161 - Chi sự nghiệp, TK 356 - Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, TK 417 - Quỹ hỗ trợ và sắp xếp doanh nghiệp, TK 441 - Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, TK 461 - Nguồn kinh phí sự nghiệp, TK 466 - Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ; và 35 tài khoản cấp 2: bao gồm các tài khoản từ nhóm tiền tệ (TK 1111, 1112, 1113...), hàng hóa (TK 1531, 1551...), tài sản cố định (TK 2121, 2131...), và các tài khoản chi tiết khác.

     2.2.2 Đổi tên tài khoản: thành TK 155 – Sản phẩm; TK 2413 - Sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ TSCĐ; TK 242 - Chi phí chờ phân bổ; TK 244 - Cầm cố, ký quỹ, ký cược; TK 337 - Nợ phải trả phát sinh từ hợp đồng; TK 4112 - Thặng dư vốn; TK 419 - Cổ phiếu quỹ, cổ phiếu mua lại của chính mình; TK 5112 - Doanh thu bán sản phẩm; TK 5212 - Giảm giá hàng bán; TK 5213 - Hàng bán bị trả lại.

     2.2.3 Bổ sung tài khoản mới: 3 tài khoản cấp 1: TK 137 - Tài khoản phát sinh từ hợp đồng, TK 332 - Phải trả cổ tức, lợi nhuận, TK 456 - Quỹ phát triển khoa học và công nghệ; 9 tài khoản chi tiết: TK 2282 - Đầu tư góp vốn vào hợp đồng hợp tác kinh doanh không đồng kiểm soát, TK 2414 - Nâng cấp, cải tạo TSCĐ, TK 4561 - Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, TK 4562 - Quỹ phát triển khoa học và công nghệ đã hình thành TSCĐ, TK 6275 - Thuế, phí, lệ phí, TK 6416 - Thuế, phí, lệ phí, TK 34314 - Chi phí phát hành trái phiếu, TK 34321 - Phần nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi, TK 34322 - Chi phí phát hành trái phiếu chuyển đổi; và 2 tài khoản ngoài bảng: TK 003 - Tài sản mang đi cầm cố, TK 006 - Lãi trả chậm, trả góp khi bán tài sản.

     2.2.4 Thay đổi nguyên tắc hạch toán một số tài khoản

Tài khoản 128 - Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn: Theo Dự thảo thì chênh lệch lãi/lỗ khi bán trái phiếu được phân bổ dần vào doanh thu hoạt động tài chính (HĐTC) phù hợp với kỳ hạn của trái phiếu. Doanh nghiệp có thể áp dụng phương pháp đường thẳng hoặc phương pháp lãi suất thực tế (dựa trên giá thị trường ước tính).

Tài khoản 137 - Tài sản phát sinh từ hợp đồng: Theo Dự thảo TK 137 được sử dụng để ghi nhận các khoản phải thu phát sinh từ hợp đồng ngay cả khi chưa có sự đồng ý từ khách hàng.

Tài khoản 152 và 156 - Nguyên liệu, vật liệu và hàng hóa: Theo Dự thảo hàng hóa mua về vừa để bán vừa để sản xuất, nếu không phân biệt rõ ràng mục đích sẽ được ghi nhận vào TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu.

Tài khoản 157 và 158 - Hàng gửi đi bán và hàng hóa kho bảo thuế: Theo Dự thảo nguyên liệu, vật tư nhập khẩu lưu giữ tại kho bảo thuế để sản xuất hàng xuất khẩu của chủ kho ngoại quan vẫn ghi vào TK 158. Tuy nhiên, đối với các khách hàng khác không phải chủ kho, nguyên liệu, vật tư này sẽ được ghi nhận vào TK 151 – Hàng mua đang đi đường.

Tài khoản 212 - Tài sản cố định thuê tài chính: Theo Dự thảo ghi nhận tài sản cố định thuê tài chính theo nguyên giá.

Tài khoản 229 – Dự phòng tổn thất tải sản: Theo Dự thảo cách gọi các đơn vị cụ thể là "công ty con, liên doanh, liên kết" rút gọn thành "đơn vị khác".

Tài khoản 242 – Chi phí chờ phân bổ: Theo Dự thảo chi phí sửa chữa lớn TSCĐ phát sinh một lần không giới hạn số năm phân bổ.

Tài khoản 411 – Vốn đầu tư của chủ sở hữu: Theo Dự thảo khi giấy phép đầu tư quy định vốn điều lệ bằng ngoại tệ phải phù hợp với Luật Đầu tư hiện hành. Đồng thời, bổ sung rõ ràng hơn chi phí phát hành cổ phiếu.

Tài khoản 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ: Theo Dự thảo làm rõ hơn cách xác định doanh thu đối với các giao dịch bất động sản.

Tài khoản 6275 và 6416 – Thuế, phí, lệ phí: Theo Dự thảo, TK 6275 phản ánh các khoản chi phí thuế, phí, lệ phí liên quan trực tiếp đến sản xuất như tiền thuê đất, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường; và TK 6416 ghi nhận chi phí thuế, phí, lệ phí liên quan đến bộ phận bán hàng.

Tài khoản 711 – Thu nhập khác: Theo Dự thảo đưa ra định nghĩa rõ ràng hơn về phạm vi và bản chất của "thu nhập khác".

Tài khoản 003 – Tài sản mang đi cầm cố: Theo Dự thảo khi tài sản được mang đi cầm cố, cần thực hiện đo lường, xác định số lượng và chất lượng hàng hóa để ghi nhận chi tiết.

Tài khoản 006 – Lãi trả chậm, trả góp khi bán tài sản: Theo Dự thảo doanh nghiệp cần theo dõi chi tiết từng đối tượng phải thu tiền lãi và từng hợp đồng bán tài sản theo phương thức trả chậm hoặc trả góp.

2.3 Điều chỉnh phân loại tài sản và nợ ngắn hạn, dài hạn trên báo cáo tài chính theo chu kỳ kinh doanh:

  • Đối với doanh nghiệp có chu kỳ kinh doanh trong vòng 12 tháng: Thu hồi hoặc thanh toán trong vòng 12 tháng thì xếp vào ngắn hạn, từ 12 tháng trở lên xếp vào dài hạn.
  • Đối với doanh nghiệp có chu kỳ kinh doanh dài hơn 12 tháng: Thu hồi hoặc thanh toán trong một chu kỳ kinh doanh bình thường thì xếp vào ngắn hạn, ngược lại nếu lâu hơn một chu kỳ kinh doanh bình thường xếp vào dài hạn.

Doanh nghiệp cần thuyết minh rõ đặc điểm và thời gian của chu kỳ kinh doanh, cùng các bằng chứng liên quan đến ngành và lĩnh vực hoạt động.

2.4 Thay đổi một số nội dung của Báo cáo tài chính

     2.4.1 Báo cáo tình hình tài chính

  • Bản cân đối kế toán đổi tên thành “Báo cáo tình hình tài chính”.

Loại bỏ một số chỉ tiêu như: Phải thu về cho vay ngắn hạn, dài hạn; phải trả theo tiến độ hợp đồng xây dựng; quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp, nguồn vốn đầu tư XDCB, quỹ khác.

  • Bổ sung các chỉ tiêu mới như: Dự phòng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn; phải thu ngắn hạn khác; nợ phải trả phát sinh từ hợp đồng.
  • Trình bày chỉ tiêu Quỹ phát triển khoa học và công nghệ vào mục Vốn chủ sở hữu.

     2.4.2 Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

  • Bổ sung chỉ tiêu lợi nhuận gộp của hoạt động bất động sản đầu tư.
  • Thay đổi mẫu báo cáo: phần chữ ký và STT các mục.

     2.4.3 Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (Phương pháp trực tiếp)

  • Loại bỏ một số chỉ tiêu: Tiền chi sự nghiệp, thu bán bất động sản đầu tư.
  • Bổ sung chỉ tiêu nhận tiền thanh toán trước cho hợp đồng.
  • Sửa một số chỉ tiêu liên quan đến tiền thu, chi từ hoạt động kinh doanh và đầu tư.

     2.4.4 Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (Phương pháp gián tiếp)

  • Sửa các chỉ tiêu liên quan đến khấu hao, các khoản điều chỉnh, tiền thu chi từ hoạt động kinh doanh và đầu tư.

     2.4.5 Thuyết minh báo cáo tài chính

  • Bổ sung các chỉ tiêu mới, bao gồm: Nguyên tắc kế toán tài sản phát sinh từ hợp đồng, nợ phải trả phát sinh từ hợp đồng; thông tin bổ sung về tài sản cầm cố, lãi trả chậm/góp, và chi phí phát hành trái phiếu, cổ phiếu không thành công.

2.5 Các thay đổi khác

     2.5.1 Hạch toán các khoản liên quan đến ngoại tệ

  • Nguyên tắc áp dụng tỷ giá: Bổ sung tỷ giá bình quân gia quyền (xấp xỉ). Tỷ giá này phải đảm bảo chênh lệch không vượt quá +/-1% so với tỷ giá mua bán chuyển khoản trung bình.
  • Đánh giá lại tài khoản có gốc ngoại tệ: Được đánh giá lại theo tỷ giá mua hoặc bán chuyển khoản trung bình của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên giao dịch.

     2.5.2 Phương pháp tính giá hàng tồn kho

Dự thảo thông tư mới thay thế thông tư 200 nhấn mạnh phương pháp áp dụng giá bán lẻ khi tính này giúp công ty tính giá hàng tồn kho, phương pháp này giúp doanh nghiệp tính nhanh giá trị hàng xuất kho mà không cần theo dõi chi tiết giá trị hàng tồn kho.

Những điểm mới trong Dự thảo Thông tư (lần 2) thay thế Thông tư 200/20214/TT-BTC được KMC trình bày ở trên chỉ mang tính chất tham khảo. Trong trường hợp có bất kỳ thay đổi nào hoặc Thông tư chính thức từ Bộ Tài chính KMC sẽ cập nhật và thông báo kịp thời để đảm bảo quý khách hàng luôn nắm bắt được thông tin mới nhất. Hãy liên hệ ngay với KMC để nhận được sự hỗ trợ chuyên nghiệp và chi tiết hơn.