Các doanh nghiệp FDI thường có nhiều giao dịch quốc tế nên thời gian giao dịch có thể kéo dài. Để mọi thứ diễn ra suôn sẻ, doanh nghiệp cần số vốn lưu động thuần lớn thay vì chỉ chờ đợi doanh thu. Hãy cùng kmc tìm hiểu vốn lưu động là gì và cách biện pháp cải thiện NWC của doanh nghiệp FDI.
Vốn lưu động thuần (NWC) là gì?
Vốn lưu động thuần – Net Working Capital (NWC) là phần chênh lệch giữa tài sản ngắn hạn (những thứ doanh nghiệp có thể nhanh chóng biến thành tiền mặt) và nợ ngắn hạn (các khoản phải trả trong thời gian ngắn).
NWC = tài sản ngắn hạn – nợ ngắn hạn.
Vốn lưu động cho thấy khả năng trả nợ trước mắt của doanh nghiệp để mọi thứ có thể vận hành trơn tru nên bạn có thể xem nó là “bộ đệm tài chính” của công ty.
Tại sao vốn lưu động thuần quan trọng với doanh nghiệp FDI?
Doanh nghiệp FDI hay có giao dịch buôn bán xuyên biên giới nên bạn cần chuẩn bị vốn lưu động lớn. Nếu không, bạn có thể gặp rắc rối khi thời gian chuyển tiền quốc tế kéo dài.
Làm việc ở nhiều nước đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải tuân thủ luật lệ tài chính khác nhau như thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản phí địa phương khác. Những chi phí này thường đến bất ngờ và không thể trì hoãn nên bạn cần vốn lưu động lớn để xử lý kịp thời chứ không thể chờ doanh thu.
6 yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến vốn lưu động thuần
Vốn lưu động thuần (NWC) không phải là một con số cố định. Nó sẽ thay đổi tùy thuộc vào cách doanh nghiệp vận hành và bối cảnh xung quanh. Dưới đây là các yếu tố phổ biến ảnh hưởng đến NWC của doanh nghiệp:
Chu kỳ kinh doanh
Chu kỳ kinh doanh là khoảng thời gian chờ từ lúc doanh nghiệp bỏ tiền mua nguyên liệu, sản xuất sản phẩm thành hàng tồn kho, bán hàng rồi thu tiền mặt về. Chu kỳ này diễn ra càng dài, doanh nghiệp càng cần nhiều vốn lưu động để mọi thứ vận hành trơn tru.
Chính sách bán hàng và thu tiền
Nếu doanh nghiệp cho khách hàng trả chậm hoặc kéo dài thời gian thanh toán, điều này sẽ khiến nhu cầu vốn lưu động tăng lên để bù đắp phần tiền chưa về tay.
Quản lý hàng tồn kho
Hàng tồn kho là một trong số các tài sản ngắn hạn nhưng đây cũng là một con dao 2 lưỡi. Hàng dự phòng càng nhiều bạn càng cần chi nhiều tiền vào kho bãi. Điều này đặt thêm áp lực lên NWC.
Chính sách thanh toán nhà cung cấp
Nếu mối quan hệ của doanh nghiệp với nhà cung cấp tốt, được phép cho trả chậm, bạn sẽ có thể giữ tiền trong tay lâu hơn, giảm bớt áp lực lên vốn lưu động thuần. Ngược lại, nếu bạn phải thanh toán nhanh, nhu cầu NWC sẽ tăng lên.
Quy mô và tốc độ tăng trưởng
Doanh nghiệp càng mở rộng quy mô kinh doanh, bạn càng cần nhiều vốn lưu động để mua nguyên liệu, thuê nhân công và đầu tư thêm vào kho bãi.
Tình hình kinh tế vĩ mô
Những yếu tố bên ngoài như lạm phát, lãi suất và biến động tỷ giá cũng có thể làm NWC “lung lay”. Ví dụ, khi lạm phát tăng, chi phí nguyên liệu đắt đỏ hơn, buộc doanh nghiệp phải bỏ thêm tiền.
Chiến lược cải thiện vốn lưu động thuần cho doanh nghiệp FDI
Như đã nói, NWC quan trọng với các doanh nghiệp FDI vì bạn phải đối mặt với các giao dịch quốc tế và chuỗi cung ứng phức tạp. Kmc cung cấp cho bạn các chiến lược thiết thực để cải thiện tình hình NWC âm hoặc đối mặt với khả năng NWC xấu trong tương lai.
Tăng tài sản ngắn hạn thông qua bán tài sản hoặc phát hành cổ phiếu
Bán tài sản không cần thiết như máy móc cũ hay bất động sản dư thừa là cách nhanh nhất để bơm tiền vào NWC. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn từ nhà đầu tư
Tái cấp vốn để chuyển nợ ngắn hạn thành nợ dài hạn
Nợ ngắn hạn thường gây áp lực lớn lên nguồn vốn lưu động thuần vì doanh nghiệp phải trả nhanh. Trong trường hợp đó, bạn có thể tái cấu trúc nợ để chuyển các khoản vay ngắn hạn thành dài hạn. Cách này cho doanh nghiệp nhiều thời gian hơn để giải quyết các vấn đề cấp bách trước.
Cắt giảm tiến độ đầu tư mới
Đừng vội tiến hành các cuộc đầu tư mới khi vốn lưu động thuần đang eo hẹp. Chẳng hạn, thay vì xây thêm nhà máy hay mở rộng thị trường ngay lập tức, doanh nghiệp nên tập trung vào tối ưu hóa những gì đang có để tăng doanh thu trước.
Quản lý chi phí và tái cấu trúc hoạt động kinh doanh
Bạn có thể cải thiện dòng tiền bằng cách cắt giảm chi phí không cần thiết và sắp xếp lại hoạt động kinh doanh. Ví dụ như doanh nghiệp có thể giảm lãng phí trong quy trình sản xuất hoặc tập trung vào các sản phẩm sinh lời cao hơn để tăng lợi nhuận.
Đàm phán với nhà cung cấp để có ưu đãi tốt hơn
Bạn có thể thử thương lượng với nhà cung cấp để kéo dài thời gian thanh toán hoặc xin chiết khấu khi mua số lượng lớn. Nếu đàm phán thành công, bạn sẽ có thêm thời gian xoay sở. Còn không, bạn cũng không mất gì.
Thuê chuyên gia tư vấn tài chính
Các chuyên gia tư vấn tài chính chuyên nghiệp có thể cho bạn nhiều lời khuyên hữu ích sau khi phân tích tình hình vốn lưu động thuần của doanh nghiệp. Ví dụ, họ sẽ chỉ ra những lỗ hổng trong quản lý dòng tiền và đề xuất giải pháp tối ưu. Hãy xem xét các chuyên gia có kinh nghiệm quốc tế vì họ có thể đưa ra lời khuyên phù hợp với đặc thù hoạt động xuyên biên giới của doanh nghiệp FDI.
Case study: Bí quyết quản lý vốn lưu động thành công của Best Buy
Hầu hết khách hàng của Best Buy thanh toán bằng thẻ tín dụng nên họ không phải lo nhiều về các khoản thu từ tiền mặt. Thay vào đó, họ dồn sức vào quản lý hàng tồn kho để đảm bảo cung cấp hàng cho khách bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, vấn đề là trữ sản phẩm nào, số lượng bao nhiêu và làm sao thực hiện được nhưng không tốn nhiều tiền.
Best Buy đã giải quyết bài toán khó này bằng cách áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý hàng tồn kho. Họ thu thập dữ liệu thực tế từ cửa hàng để biết sản phẩm nào bán chạy. Sau đó, hệ thống máy tính tự động đặt hàng để đảm bảo hàng hóa luôn đầy đủ.
Kết quả, giá cổ phiếu của họ tăng từ 20 USD lên 67 USD trong 3 năm. Họ đã biến hàng tồn kho từ một “gánh nặng” thành “người bạn đồng hành”, giúp công ty phát triển mạnh mẽ trên thị trường bán lẻ cạnh tranh khốc liệt.
Vốn lưu động thuần không chỉ là con số, nó còn giúp các doanh nghiệp FDI duy trì sức khỏe tài chính và phát triển bền vững. Do đó, bạn cần hiểu rõ các yếu tố này và áp dụng các chiến lược thông minh như Best Buy.