Câu hỏi Hội thảo "Thông tư mới thay thế Thông Tư 200/2014/TT-BTC Hướng dẫn chế độ kế toán trong doanh nghiệp" - 28.11.2024
1. Thời gian áp dụng Thông tư mới thay thế Thông Tư 200/2014/TT-BTC Hướng dẫn chế độ kế toán trong doanh nghiệp:

- Theo điều 32, Dự thảo 02 công bố ngày 10/06/2024, dự kiến Thông tư mới có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025 và áp dụng cho năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 01/01/2025.
Tuy nhiên, hiện tại là thời điểm gần cuối năm 2024 dự thảo sửa đổi Thông tư 200 vẫn chưa được ban hành chính thức, thì khả năng thông tư sẽ có sự điều chỉnh về thời gian áp dụng. Đặc biệt là khi các quy trình phê duyệt và công bố chính thức của BTC có thể mất thêm thời gian để hoàn thiện các bước cuối cùng.

2. Công ty tôi ký hợp đồng thuê xưởng ngày 01/01/2024 với thời hạn thuê 5 năm, xưởng đã hoàn thành 90%, chi phí cải tạo, sửa chữa là 300 triệu và tái ký hợp đồng vào 01/01/2029 thêm 5 năm nữa. Công ty tôi hiện phân bổ chi phí này 3 năm, đến hết 31/12/2024 thì khoản chi phí chờ phân bổ là 200 triệu.
Vậy nếu áp dụng theo dự thảo thông tư mới này thì khoản 200 triệu này tôi được phân bổ bao lâu?

- Theo Thông tư 200 cũ, Công ty A/C chỉ được phép phân bổ khoản chi phí 200 triệu còn lại dựa trên thời gian phân bổ ban đầu đã xác định là 3 năm.

=> Thời gian phân bổ là 2 năm.
Tuy nhiên, theo dự thảo Thông tư mới, quy định linh hoạt hơn và cho phép:
- Điều chỉnh thời gian phân bổ: Chi phí còn lại chưa phân bổ (200 triệu tại thời điểm 01/01/2025) có thể được phân bổ lại theo thời gian sử dụng thực tế của hợp đồng thuê hoặc thời hạn tái ký mới, nếu tài sản vẫn được sử dụng.
- Trong trường hợp của Công ty A/C:
Nếu hợp đồng thuê ban đầu kết thúc vào 31/12/2028 và Công ty tái ký hợp đồng vào 01/01/2029, phần chi phí 200 triệu còn lại tại thời điểm 01/01/2025 có thể lựa chọn => phân bổ trong 4 năm còn lại của hợp đồng (2025–2028), tức 50 triệu/năm.
Quy định của Thông tư mới cho phép Doanh nghiệp linh hoạt điều chỉnh thời gian phân bổ phù hợp với mục đính liên quan đến hoạt động kinh doanh, hợp đồng thuê tái ký, và Công ty có đủ cơ sở giải trình khi cần thiết.

3. Công ty tôi chuyên may áo Kimono và kinh doanh các nguyên liệu dùng cho may mặc. Tháng 11/2024, Công ty có nhập kho 10.000m vải Calicot trắng với giá nhập khẩu 50.000 VNĐ/m. Vải Calicot trắng chúng tôi thường dùng:
- Sử dụng làm nguyên liệu sản xuất áo Kimono.
- Bán trực tiếp cho khách hàng thương mại.
Tuy nhiên, tại thời điểm nhập kho, Công ty chưa xác định rõ số lượng m vải chính xác cho mỗi hoạt động kinh doanh. Tôi nên ghi nhận như thế nào theo dự thảo đổi mới?

- TT 200: Yêu cầu phân loại ngay từ đầu, sau đó phải điều chỉnh nếu có thay đổi mục đích sử dụng.
TT Dự thảo sửa đổi: Ghi nhận tạm thời vào Nợ TK 152 -> 10.000*50.000 = 500 triệu VNĐ, sau đó điều chỉnh linh hoạt theo từng mục đíc h sử dụng (sản xuất hoặc bán hàng), giúp đơn giản hóa quy trình.

Trường hợp, đến Tháng 3/2025, Cty A/C có đơn hàng SX và có kế hoạch sử dụng 6.000m vải để sản xuất và số lượng còn lại để bán trực tiếp cho DN khác thì lúc này:
Ghi Nợ TK 156 4.000m*50.000= 200 triệu VNĐ/ đồng thời ghi có TK 152 giá trị tương tự.

4. Trường hợp doanh nghiệp đã hoàn thành từng phần nghĩa vụ cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo gói dịch vụ cam kết cho khách hàng nhưng doanh nghiệp chưa có quyền thu vô điều kiện đối với phần nghĩa vụ đã hoàn thành đó (chưa được khách hàng chấp nhận thanh toán cho toàn bộ gói dịch vụ cam kết) thì được ghi nhận như thế nào theo thông tư mới?

- Phản ánh doanh thu tương ứng với phần nghĩa vụ cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã hoàn thành trong gói dịch vụ cam kết cho khách hàng, ghi:
Nợ TK 137– Tài sản phát sinh từ hợp đồng
Có TK 511- Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
– Đồng thời ghi nhận giá vốn của hàng hóa hoặc dịch vụ đã bán, ghi:
Nợ TK 632- Giá vốn hàng bán
Có các TK liên quan
– Khi doanh nghiệp hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong gói cam kết và có quyền thu vô điều kiện với khách hàng, ghi:
Nợ TK 131 – Phải thu của khách hàng
Có TK 137– Tài sản phát sinh từ hợp đồng
Có TK 3331- Thuế GTGT phải nộp (nếu có)
– Khi thu tiền của khách hàng, ghi:
Nợ các TK 111, 112
Có TK 131 – Phải thu của khách hàng

5. Công ty tôi có bất động sản đầu tư, cho tôi hỏi trường hợp công ty tôi muốn chuyển bất động sản đầu tư này sang hàng tồn kho khi có quyết định sửa chữa, cải tạo, nâng cấp để bán thì tôi ghi nhận như thế nào? 

- Khi có quyết định sửa chữa, nâng cấp, cải tạo bất động sản đầu tư để bán, ghi:
Nợ TK 156 - Hàng hóa (Giá trị còn lại của BĐSĐT)
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (Số hao mòn lũy kế)
Có TK 217 - Bất động sản đầu tư (Nguyên giá)
- Khi phát sinh các chi phí sửa chữa, cải tạo, nâng cấp triển khai cho mục đích bán, ghi:
Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ
Có các TK 111, 112, 152, 331, 334,...
- Khi kết thúc giai đoạn sửa chữa, nâng cấp, cải tạo triển khai cho mục đích bán, kết chuyển toàn bộ chi phí ghi tăng giá trị hàng hóa bất động sản, ghi:
Nợ TK 156 - Hàng hóa
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang

6. Công ty tôi 100% vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trên Giấy chứng nhận có ghi vốn góp là 20 tỷ đồng, tương đương 851.063 USD (tỷ giá là 23.500 đồng/USD).
Nhà đầu tư đã góp đủ vốn bằng USD thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp với số tiền là 851.063 USD, quy đổi theo tỷ giá giao dịch của ngân hàng tại thời điểm góp vốn thì tương đương 19.702.108.450 VND (tỷ giá là 23.150 đồng/USD). Do tỷ giá giảm nên số vốn góp bằng tiền VND còn thiếu 297.891.550 VND.
Vậy trường hợp này đã được coi là góp đủ vốn hay chưa?

- Theo TT 200: Khi giấy phép đầu tư quy định vốn điều lệ của doanh nghiệp được xác định bằng ngoại tệ tương đương với một số lượng tiền Việt Nam Đồng, việc xác định phần vốn góp của nhà đầu tư bằng ngoại tệ (thừa, thiếu, đủ so với vốn điều lệ) được căn cứ vào số lượng ngoại tệ đã thực góp, không xem xét tới việc quy đổi ngoại tệ ra Việt Nam Đồng theo giấy phép đầu tư.

Kế toán phải áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế tại từng thời điểm thực góp để quy đổi ra Đồng Việt Nam và ghi nhận vào vốn đầu tư của chủ sở hữu.
=> Vậy nên trường hợp này đã góp vốn đủ với số ngoại tệ là 851.063 USD
Tuy nhiên trong thực tế nếu số vốn góp trên GCNĐKDN khác với báo tài chính thì Cơ quan chức năng sẽ yêu cầu giải trình.
Lúc này DN có thể xem xét đến việc điều chỉnh GCNĐKDN , GCNĐKĐT số vốn điều lệ bằng với báo cáo tài chính. Điều này sẽ giúp DN tiết kiệm thời gian giải trình không cần thiết.

7. Kho bảo thuế được dùng để lưu giữ những nguyên liệu, vật tư nào?

Căn cứ khoản 9 Điều 4 Luật Hải quan 2014 giải thích về kho bảo thuế như sau:
9. Kho bảo thuế là kho dùng để chứa nguyên liệu, vật tư nhập khẩu đã được thông quan nhưng chưa nộp thuế để sản xuất hàng hóa xuất khẩu của chủ kho bảo thuế.
10. Kho ngoại quan là khu vực kho, bãi lưu giữ hàng hóa đã làm thủ tục hải quan được gửi để chờ xuất khẩu; hàng hóa từ nước ngoài đưa vào gửi để chờ xuất khẩu ra nước ngoài hoặc nhập khẩu vào Việt Nam.
Đồng thời, căn cứ khoản 2 Điều 61 Luật Hải quan 2014 quy định:
Hàng hóa gửi tại kho ngoại quan, kho bảo thuế, địa điểm thu gom hàng lẻ
1. Hàng hóa gửi kho ngoại quan được lưu giữ trong thời gian không quá 12 tháng kể từ ngày được gửi vào kho; trường hợp có lý do chính đáng thì được Cục trưởng Cục Hải quan đang quản lý kho ngoại quan gia hạn một lần không quá 12 tháng.
2. Nguyên liệu, vật tư được lưu giữ tại kho bảo thuế để sản xuất hàng hóa xuất khẩu trong thời gian không quá 12 tháng kể từ ngày được gửi vào kho; trường hợp có lý do chính đáng theo yêu cầu của chu trình sản xuất thì được Chi cục trưởng Chi cục Hải quan đang quản lý kho bảo thuế gia hạn. Thời gian gia hạn phù hợp với chu trình sản xuất.
=> Theo đó, kho bảo thuế được dùng để chứa nguyên liệu, vật tư nhập khẩu đã được thông quan nhưng chưa nộp thuế để sản xuất hàng hóa xuất khẩu của chủ kho bảo thuế.
Nguyên liệu, vật tư được lưu giữ tại kho bảo thuế để sản xuất hàng hóa xuất khẩu trong thời gian không quá 12 tháng kể từ ngày được gửi vào kho; trường hợp có lý do chính đáng theo yêu cầu của chu trình sản xuất thì được Chi cục trưởng Chi cục Hải quan đang quản lý kho bảo thuế gia hạn.

8. Có được thành lập kho bảo thuế ngoài khu vực nhà máy của doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu không?

Việc thành lập kho bảo thuế được quy định tại Điều 62 Luật Hải quan 2014 như sau:
Điều kiện thành lập kho ngoại quan, kho bảo thuế, địa điểm thu gom hàng lẻ
1. Kho ngoại quan, địa điểm thu gom hàng lẻ được thành lập tại địa bàn nơi có các khu vực sau đây:
a) Cảng biển, cảng hàng không dân dụng quốc tế, cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa, cửa khẩu đường bộ, ga đường sắt liên vận quốc tế;
b) Khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu phi thuế quan và các khu vực khác theo quy định của pháp luật.
2. Kho bảo thuế được thành lập trong khu vực nhà máy của doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
3. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định thành lập, gia hạn thời gian hoạt động, tạm dừng và chấm dứt hoạt động kho ngoại quan, kho bảo thuế, địa điểm thu gom hàng lẻ.
4. Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của kho ngoại quan, kho bảo thuế, địa điểm thu gom hàng lẻ.
=> Theo quy định trên thì kho bảo thuế được thành lập trong khu vực nhà máy của doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
Như vậy, không được thành lập kho bảo thuế ngoài khu vực nhà máy của doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu.

Thế nào là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa?

Trả lời

Theo Điều 5 Nghị định 80/2021/NĐ-CP, việc xác định doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa sẽ căn cứ vào những tiêu chí như bảng minh hoạ:

Tiêu chí

Doanh nghiệp siêu nhỏ

Doanh nghiệp nhỏ

Doanh nghiệp vừa

Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp, xây dựng

Thương mại, dịch vụ

Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp, xây dựng

Thương mại, dịch vụ

Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp, xây dựng

Thương mại, dịch vụ

 

Số lao động tham gia BHXH

Bình quân năm không quá 10 người

Bình quân năm không quá 10 người

Bình quân năm không quá 100 người

Bình quân năm không quá 50 người

Bình quân năm không quá 200 người

Bình quân năm không quá 100 người

Hoặc

Tổng nguồn vốn

≤ 3 tỷ đồng

≤ 3 tỷ đồng

≤ 20 tỷ đồng

≤ 50 tỷ đồng

≤ 100 tỷ đồng

≤ 100 tỷ đồng

Tổng doanh thu năm

≤ 3 tỷ đồng

≤ 10 tỷ đồng

≤ 50 tỷ đồng

≤ 100 tỷ đồng

≤ 200 tỷ đồng

≤ 300 tỷ đồng

Doanh nghiệp nào không yêu cầu bắt buộc có kế toán trưởng?

Trả lời

Căn cứ quy định Điều 20 Nghị định 174/2016/NĐ-CP quy định về kế toán trưởng và người phụ trách kế toán như sau:

Kế toán trưởng, phụ trách kế toán

  1. Yêu cầu bố trí kế toán trưởng:

Đơn vị kế toán phải bố trí kế toán trưởng trừ các đơn vị quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp đơn vị chưa bổ nhiệm được ngay kế toán trưởng thì bố trí người phụ trách kế toán hoặc thuê dịch vụ làm kế toán trưởng theo quy định. Thời gian bố trí người phụ trách kế toán tối đa là 12 tháng, sau thời gian này đơn vị kế toán phải bố trí người làm kế toán trưởng.

  1. Phụ trách kế toán:
  1. a) Các đơn vị kế toán trong lĩnh vực nhà nước bao gồm: Đơn vị kế toán chỉ có một người làm kế toán hoặc một người làm kế toán kiêm nhiệm; đơn vị kế toán ngân sách và tài chính xã, phường, thị trấn thì không thực hiện bổ nhiệm kế toán trưởng mà chỉ bổ nhiệm phụ trách kế toán.
  2. b) Các doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng.

🡪 Theo quy định, doanh nghiệp không bắt buộc phải có kế toán trưởng là các doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp nhỏ và vừa này được bố trí người phụ trách kế toán.

Nếu hóa đơn đã xuất (đã lập và ký số) nếu có sai sót thì điều chỉnh như thế nào?

Trả lời:

  • Trường hợp 1: Sai sót về tên, địa chỉ nhưng đúng Mã Số Thuế. Theo thông tư 26/2015/TT-BTC “… Các bên lập biên bản điều chỉnh và không phải lập Hóa đơn điều chỉnh”.
  • Trường hợp 2: Sai sót khác Điều 9 thông tư 32/2011/TT-BTC, cụ thể như sau:
    1. Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập và gửi cho người mua nhưng chưa giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc hóa đơn điện tử đã lập và gửi cho người mua, người bán và người mua chưa kê khai thuế, nếu phát hiện sai thì chỉ được hủy khi có sự đồng ý và xác nhận của người bán và người mua.Việc huỷ hóa đơn điện tử có hiệu lực theo đúng thời hạn do các bên tham gia đã thoả thuận. Hóa đơn điện tử đã hủy phải được lưu trữ phục vụ việc tra cứu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.Người bán thực hiện lập hóa đơn điện tử mới theo quy định tại Thông tư này để gửi cho người mua, trên hóa đơn điên tử mới phải có dòng chữ “hóa đơn này thay thế hóa đơn số…, ký hiệu, gửi ngày tháng năm.
    2. Trường hợp hóa đơn đã lập và gửi cho người mua, đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải lập văn bản thỏa thuận có chữ ký điện tử của cả hai bên ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hoá đơn điện tử điều chỉnh sai sót.Hoá đơn điện tử lập sau ghi rõ điều chỉnh (tăng, giảm) số lượng hàng hoá, giá bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng, tiền thuế giá trị gia tăng cho hoá đơn điện tử số…, ký hiệu… Căn cứ vào hoá đơn điện tử điều chỉnh, người bán và người mua thực hiện kê khai điều chỉnh theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và hóa đơn hiện hành. Hoá đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-).
Khi nhân viên đi công tác có tiền vé máy bay thì những chứng từ nào cần thiết để chứng minh là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế?

Trả lời:

Theo điểm 2.9, khoản 2, điều 4, Thông tư 96/2015/TT-BTC thì doanh nghiệp có mua vé máy bay qua website thương mại điện tử cho người lao động đi công tác để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì chứng từ làm căn cứ để tính vào chi phí được trừ là:

  • Vé máy bay điện tử
  • Thẻ lên máy bay (boarding pass)
  • Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt của doanh nghiệp có cá nhân tham gia hành trình vận chuyển.
  • Trường hợp doanh nghiệp không thu hồi được thẻ lên máy bay của người lao động thì chứng từ làm căn cứ để tính vào chi phí được trừ là
  • Vé máy bay điện tử
  • Quyết định hoặc văn bản cử người lao động đi công tác

Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt của doanh nghiệp có cá nhân tham gia hành trình vận chuyển.

Số lượng hóa đơn đặt mua năm nay sử dụng không hết, có cần đóng thêm phí gia hạn cho năm sau để sử dụng tiếp những hóa đơn này hay không? Thời hạn cần lưu trữ hóa đơn điện tử là bao lâu?

Trả lời:

Khi hết hạn thuê bao nhưng khách hàng chưa sử dụng hết số lượng hóa đơn điện tử đã đăng ký, khách hàng vẫn được sử dụng phần mềm để quản lý và lưu trữ hóa đơn điện tử đã phát hành nhưng không được phát hành tiếp các hóa đơn điện tử còn lại. Để sử dụng tiếp các hóa đơn điện tử còn lại, khách hàng cần thanh toán phí gia hạn thuê bao theo thời gian thuê bao khách hàng đăng ký thêm.

Lưu trữ hóa đơn điện tử theo thời hạn quy định của Luật Kế toán (hiện hành là 10 năm)

Trường hợp Người mua hàng có nhu cầu chuyển đổi Hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy, người bán có thể thực hiện được không? Và được chuyển đổi bao nhiêu lần?

Trả lời:

Người bán hàng hóa được chuyển đổi Hóa đơn điện tử sang Hóa đơn giấy để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa hữu hình trong quá trình lưu thông và chỉ được chuyển đổi một (01) lần.

Hóa đơn điện tử chuyển đổi sang Hóa đơn giấy để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa phải đáp ứng các quy định nêu tại Khoản 2,3,4 Điều 12 thông tư 32/2011/TT-BTC và phải có chữ ký người đại diện theo pháp luật của người bán, dấu của người bán.

Thời điểm xuất hóa đơn đối với công trình xây dựng là khi nào?

Trả lời:

Về thời điểm xuất hóa đơn cho hợp đồng xây dựng theo điểm 2a điều 16, chương 3 thông tư 39/2014/TT/BTC là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, khối lượng xây lắp, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa. Chi tiết như sau:

1.Trường hợp bàn giao nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần bàn giao phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ tương ứng.

2. Trường hợp tổ chức kinh doanh bất động sản, xây dựng cơ bản cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng có thu tiền theo tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng thì ngày thu tiền là ngày lập hóa đơn.

Công ty tôi hiện đang thực hiện chương trình khuyến mại khi khách hàng mua mỗi sản phẩm của công ty sẽ được tặng một phiếu mua hàng tại siêu thị trị giá 200 nghìn đồng. Xin hỏi, khi xuất hoá đơn giá trị gia tăng cho khách hàng giá tính thuế giá trị gia tăng có phải cộng thêm 200 nghìn đồng giá trị phiếu mua hàng hay không?

Trả lời:

Tại điểm c, khoản 5, điều 7, Thông tư 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính:

– Đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật về thương mại, giá tính thuế được xác định bằng không (0); Trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại nhưng không thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại thì phải kê khai, tính nộp thuế như hàng hóa, dịch vụ dùng để tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng, cho.

Như vậy, đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật về thương mại (nghĩa là phải đăng ký với Sở Công thương) khi công ty bạn xuất hoá đơn giá trị gia tăng thì trên hóa đơn chỉ thể hiện giá trị hàng hóa mà không bao gồm 200 nghìn đồng giá trị phiếu mua hàng tặng kèm.

Còn đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại nhưng không thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại khi công ty bạn xuất hoá đơn giá trị gia tăng thì trên hóa đơn phải thể hiện giá trị hàng hóa và cộng thêm 200 nghìn đồng giá trị phiếu mua hàng.