Tổng hợp các hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Doanh nghiệp mới nhất năm 2025
do KMC Consulting Company Limited
Ngày 17/06/2025, Quốc hội bàn hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp số 76/2025/QH15. Theo đó, các hành vi bị nghiêm cấm được quy định cụ thể tại Điều 16 Luật Doanh nghiệp 2020 (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp năm 2025), bao gồm:
1. Cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trái với quy định của Luật Doanh nghiệp; yêu cầu người thành lập doanh nghiệp cung cấp thêm tài liệu ngoài hồ sơ theo quy định; gây chậm trễ, phiền hà, cản trở, sách nhiễu quá trình thành lập doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
2. Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty.
3. Thực hiện hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo quy định, hoặc tiếp tục hoạt động sau khi bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hoặc trong thời gian doanh nghiệp bị tạm ngừng hoạt động kinh doanh.
4. Kê khai giả mạo, kê khai không trung thực hoặc không chính xác thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hoặc hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
(Lưu ý: Trước ngày 01/7/2025, hành vi bị cấm là kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.)
5. Kê khai khống vốn điều lệ thông qua việc không góp đủ vốn như đã cam kết mà không thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn điều lệ theo quy định; cố ý định giá sai lệch tài sản góp vốn.
(Lưu ý: Trước ngày 01/7/2025, hành vi bị cấm bao gồm kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ vốn điều lệ theo đăng ký, cố ý định giá sai tài sản góp vốn.)
6. Kinh doanh ngành, nghề thuộc danh mục cấm đầu tư kinh doanh; kinh doanh ngành, nghề chưa được phép tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định hoặc không bảo đảm duy trì điều kiện kinh doanh trong suốt quá trình hoạt động.
7. Thực hiện hành vi lừa đảo, rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố dưới bất kỳ hình thức nào.
Các hành vi bị nghiêm cấm kể từ thời điểm có quyết định giải thể doanh nghiệp
Theo quy định tại Điều 211 Luật Doanh nghiệp 2020, kể từ thời điểm có quyết định giải thể, doanh nghiệp và người quản lý doanh nghiệp bị nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau:
- Cất giấu, tẩu tán tài sản của doanh nghiệp;
- Từ bỏ hoặc làm giảm quyền yêu cầu thanh toán nợ;
- Chuyển nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp;
- Ký kết hợp đồng mới, trừ trường hợp phục vụ cho thủ tục giải thể;
- Cầm cố, thế chấp, tặng cho, cho thuê tài sản doanh nghiệp;
- Chấm dứt thực hiện các hợp đồng có hiệu lực;
- Huy động vốn dưới bất kỳ hình thức nào.
Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm: Cá nhân có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 211 có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ vi phạm; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định pháp luật.
Nếu bạn cần thêm thông tin chi tiết hoặc dịch vụ tư vấn thuế, liên quan, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn chuyên sâu.
Website: https://kmc.vn/
Hotline: +84 81 489 4789 hoặc +84 91 988 9331
Email: info@kmc.vn