Theo Mục 7 của Phụ lục ban hành kèm theo Công văn số 2220/TTCP-KHTH, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) được định hướng tập trung thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành, lĩnh vực có tiềm năng thu ngân sách lớn hoặc tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Các đối tượng doanh nghiệp được định hướng tăng cường thanh tra, kiểm tra bao gồm:
- Doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực có rủi ro cao hoặc tiềm năng lớn về thu ngân sách như: dầu khí, xăng dầu, điện lực, viễn thông, ngân hàng và thương mại điện tử.
- Doanh nghiệp có quy mô lớn nhưng chưa được thanh tra, kiểm tra trong nhiều năm.
- Doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch như chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng thương hiệu hoặc dự án đầu tư.
- Doanh nghiệp thực hiện phát hành chứng khoán, chi trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc phát hành cổ phiếu thưởng.
- Doanh nghiệp có giao dịch liên kết (GDLK), có dấu hiệu chuyển giá hoặc ghi nhận kết quả kinh doanh lỗ kéo dài.
- Doanh nghiệp có rủi ro cao liên quan đến việc sử dụng hóa đơn.
- Doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận hoặc tiềm ẩn rủi ro cao trong việc hoàn thuế.
- Doanh nghiệp có phát sinh hồ sơ đề nghị miễn, giảm thuế theo các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.
- Doanh nghiệp có thông tin giao dịch bất thường, đáng ngờ.
Theo đó, Tổng cục Thuế sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra các nội dung sau:
- Việc triển khai và thực hiện chỉ đạo từ các cơ quan cấp trên;
- Việc tuân thủ các quy định pháp luật về thanh tra, kiểm tra thuế trong nội bộ ngành thuế;
- Việc thực hiện đúng các quy định pháp luật liên quan đến hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT);
- Công tác quản lý nợ thuế và thực hiện cưỡng chế thu hồi nợ thuế; việc quản lý, sử dụng tài sản và tài chính công;
- Việc chấp hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013; Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; cũng như công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo;
- Việc tuân thủ các quy định pháp luật trong công tác tổ chức và quản lý cán bộ.