Nhiều người biết rằng mô hình doanh nghiệp tư nhân (DNTN) đơn giản, dễ áp dụng, đặc biệt chủ sở hữu sẽ có quyền kiểm soát tuyệt đối. Tuy nhiên, đây chỉ là bề nổi của tảng băng. Trên thực tế, nó có cả lợi ích và thách thức cần khắc phục để áp dụng hiệu quả. Chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn thông tin chi tiết về cơ cấu tổ chức doanh nghiệp tư nhân trong bài viết này.

Cơ cấu tổ chức doanh nghiệp tư nhân là gì?

Khác với công ty cổ phần – nơi có nhiều người góp vốn và phải tổ chức phức tạp với Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị hay Ban kiểm soát, doanh nghiệp tư nhân (DNTN) do một người làm chủ. Người này có toàn quyền quyết định mọi chuyện trong công ty.

Cụ thể, bạn có thể điều hành công ty và sử dụng tiền lời (sau khi nộp thuế đầy đủ) theo cách bạn muốn. Chính chủ doanh nghiệp cũng sẽ đứng ra đại diện cho công ty trong mọi việc từ ký hợp đồng đến giải quyết tranh chấp và chịu trách nhiệm hoàn toàn cho công ty của bạn.

Tại sao nên cơ cấu tổ chức doanh nghiệp tư nhân?

Dù là doanh nghiệp tư nhân hay bất cứ loại hình doanh nghiệp nào, cơ cấu tổ chức sẽ giúp bạn phân chia công việc hiệu quả hơn. Ví dụ, nếu bạn mở một tiệm cà phê nhỏ, bạn hãy thuê người hỗ trợ thay vì một mình làm tất cả. Mỗi người đảm nhận một vai trò, giúp bạn tiết kiệm thời gian và tập trung vào mục tiêu lớn: phát triển doanh nghiệp.

Mô hình thực tế: Ai làm gì trong doanh nghiệp tư nhân?

co-cau-to-chuc-doanh-nghiep-tu-nhan-ai-lam-gi

Bạn – người dẫn dắt doanh nghiệp tư nhân sẽ quyết định hướng đi, kiểm soát chất lượng và đảm bảo mọi thứ đi đúng kế hoạch. Nếu bạn mở quán cà phê, bạn sẽ là người chọn món bán trong tiệm, quyết định cách trang trí trong cửa hàng và giá bán.

Tuy nhiên, đừng gồng gánh mọi thứ một mình. Bạn có thể thuê một quản lý để điều hành công việc hàng ngày như kiểm tra nguyên liệu hoặc sắp xếp lịch nhân viên. Bạn cũng có thể tạo các phòng ban khác như Phòng kinh doanh, Phòng hành chính – nhân sự và Phòng kế toán để đảm nhận những nhiệm vụ cụ thể. Chẳng hạn, phòng kinh doanh lo bán hàng và tìm khách, phòng kế toán theo dõi tiền ra vào, còn nhận sự đảm bảo đội ngũ làm việc thuận lợi.

Nếu bạn mở một tiệm nail nhỏ, bạn có thể tạo một đội ngũ gọn nhẹ hơn, ví dụ như bạn (chủ) – người thiết kế mẫu, một thợ nail chuyên nghiệp và một kế toán bán thời gian. 

Lợi ích của mô hình doanh nghiệp tư nhân

Đơn giản và linh hoạt

co-cau-to-chuc-doanh-nghiep-tu-nhan-don-gian-va-linh-hoat

Thành lập một doanh nghiệp tư nhân rất dễ vì thủ tục nhanh gọn, không rườm rà. Bạn có thể tiết kiệm thời gian để tập trung vào những ý tưởng kinh doanh mới lạ. Hơn nữa, nó còn linh hoạt vì bạn là người “cầm lái” hoàn toàn có quyền quyết định mọi thứ từ A-Z. Chẳng hạn, bạn có quyền đổi hướng kinh doanh bất cứ lúc nào mà không cần xin ý kiến ai, cũng chẳng cần lo lắng về các thủ tục phức tạp.

Ít tốn kém chi phí

co-cau-to-chuc-doanh-nghiep-tu-nhan-it-ton-chi-phi

Khi bắt đầu với doanh nghiệp tư nhân, bạn không cần có quá nhiều tiền vì chi phí vận hành nhẹ nhàng hơn các loại hình doanh nghiệp khác. 

4 Thách thức khi mở rộng quy mô doanh nghiệp tư nhân

Cơ hội luôn đi kèm với rủi ro. Hãy cùng KMC tìm hiểu thêm về thách thức của doanh nghiệp tư nhân để chuẩn bị sẵn các biện pháp dự phòng cho chúng:

Không có “lá chắn” pháp lý

Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) không có tư cách pháp nhân, nghĩa là nó không phải là một “thực thể” riêng biệt trước pháp luật. Do đó, ngân hàng có thể ngần ngại cho bạn vay để mở rộng quy mô doanh nghiệp vì họ chỉ nhìn vào tài sản cá nhân của bạn. Nếu bạn không trả được nợ, họ chẳng có gì để “bù đắp”.

Để ngân hàng tin tưởng hơn, hãy đảm bảo hồ sơ tín dụng của bạn “sạch” và minh bạch, hãy bắt đầu với các khoản vay vừa sức, có thể trả đúng hạn để tăng điểm tín dụng.

Rủi ro lớn “đè vai” chủ doanh nghiệp tư nhân

co-cau-to-chuc-doanh-nghiep-tu-nhan-rui-ro-lon

Như cái tên “tư nhân”, chủ doanh nghiệp sẽ có toàn bộ quyền lợi cũng như chịu toàn bộ trách nhiệm. Do đó, nếu công ty thua lỗ hoặc nợ nần, bạn không chỉ mất hết tiền đầu tư mà còn phải bán hoặc cầm cố tài sản như nhà cửa, xe cộ để trả nợ. Điều này khiến nhiều chủ DNTN e ngại mở rộng vì quy mô càng lớn thì rủi ro càng cao.

Do đó, trước khi mở rộng kinh doanh, hãy tính toán kỹ dòng tiền, chi phí và dự phòng rủi ro. Tốt hơn hết, bạn nên mua bảo hiểm doanh nghiệp để bảo vệ tài sản cá nhân của bạn trong trường hợp công ty gặp sự cố. Cuối cùng, thay vì “đánh lớn” ngay, hãy mở rộng dần dần để kiểm soát rủi ro tốt hơn.

Không thể huy động vốn linh hoạt

DNTN không thể phát hành cổ phiếu hay trái phiếu nên bạn không thể bán cổ phần để lấy tiền mua thêm thiết bị hay thuê thêm người. Nếu bạn muốn mở rộng quy mô doanh nghiệp, bạn phải tự xoay sở. Cho nên, bạn hãy cố gắng sử dụng vốn lưu động hiệu quả ngay từ đầu.

Bị “cấm cửa” góp vốn chỗ khác

Luật pháp không cho phép DNTN được phép góp vốn thành lập hay mua cổ phần trong các doanh nghiệp khác. Cho nên, nếu bạn muốn mở rộng quy mô theo hình thức góp vốn, bạn sẽ phải đổi sang loại hình khác.

Cơ cấu tổ chức doanh nghiệp tư nhân là một miếng mồi ngon cho các nhà khởi nghiệp muốn nhanh chóng gia nhập thị trường kinh doanh ở Việt Nam vì nó đơn giản, dễ áp dụng. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải vượt qua những thách thức và rủi ro về tài chính và các rào cản khác. Cho nên, hãy luôn có biện pháp dự phòng trước để ứng phó kịp thời khi có sự cố.