Bạn cảm thấy công ty tính sai lương làm thêm giờ của mình nhưng bạn không biết luật và công thức để tính chính xác? Trong bài viết này, KMC cung cấp cho bạn 4 công thức cách tính lương làm thêm giờ theo từng trường hợp cụ thể để bạn có thể tự kiểm tra.
Công thức chuẩn tính lương làm thêm giờ (cập nhật 2025)
Tính lương làm thêm giờ đúng quy định không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật mà còn đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Dưới đây là những công thức tính lương làm thêm giờ theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP và Điều 98 Bộ luật Lao động 2019, áp dụng cho năm 2025.
Cách tính lương làm thêm giờ (hưởng lương theo thời gian)
Công thức cơ bản:
Tiền lương làm thêm giờ = tiền lương giờ thực trả x mức 150%, 200% hoặc 300% x số giờ làm thêm.
Trong đó:
Tiền lương giờ thực trả là tiền lương tháng (không bao gồm phụ cấp, hỗ trợ, thưởng hoặc tiền lương làm thêm giờ) chia cho tổng số giờ làm việc trong tháng (thường là 26 ngày x 8 giờ = 208 giờ, tùy theo nội quy công ty).
Ví dụ: Với lương tháng 7.800.000 VND, công chuẩn 26 ngày, tiền lương giờ thực trả của bạn là 7.800.000 * (26 x 8) = 37.500 VND/ giờ.
Mức lương làm thêm giờ
- Ngày thường: ít nhất 150%
- Ngày nghỉ hằng tuần: ít nhất 200%
- Ngày lễ, Tết: ít nhất 300% (chưa kể lương ngày lễ, Tết)
Số giờ làm thêm: tổng số giờ người lao động làm ngoài giờ hành chính.
Ví dụ minh họa:
Anh Hoàng có lương tháng 7.800.000 VND, làm thêm 4 giờ vào ngày thường. Tiền lương giờ thực trả là 37.500 VND/ giờ.
Tiền lương làm thêm = 37.500 VND x 150% x 4 = 225.000 VND
Cách tính lương làm thêm giờ (hưởng lương theo sản phẩm)
Công thức cơ bản:
Tiền lương làm thêm giờ = đơn giá sản phẩm x mức 150%, 200% hoặc 300% x số sản phẩm làm thêm
Trong đó:
Đơn giá sản phẩm là giá tiền cho mỗi sản phẩm hoàn thành trong ngày làm việc bình thường.
Mức lương làm thêm:
- Ngày thường: ít nhất 150%
- Ngày nghỉ hằng tuần: ít nhất 200%
- Ngày lễ, Tết: ít nhất 300%
Số sản phẩm làm thêm là số lượng sản phẩm hoàn thành trong giờ làm thêm.
Ví dụ minh họa:
Chị Lan làm sản phẩm với đơn giá 10.000 VND/ sản phẩm. Chị làm thêm 20 sản phẩm vào ngày nghỉ hằng tuần.
Tiền lương làm thêm = 10.000 x 200% x 20 = 400.000VND.
Cách tính lương làm thêm giờ vào ban đêm (hưởng lương theo thời gian)
Công thức cơ bản:
Tiền lương làm thêm giờ ban đêm = (tiền lương giờ thực trả x mức 150%, 200% hoặc 300%) + (tiền lương giờ thực trả x 30%) + (20% x tiền lương giờ ban ngày) x số giờ làm thêm ban đêm.
Trong đó:
Tiền lương giờ thực trả là tiền lương tháng (không bao gồm phụ cấp, hỗ trợ, thưởng hoặc tiền lương làm thêm giờ) chia cho tổng số giờ làm việc trong tháng (thường là 26 ngày x 8 giờ = 208 giờ, tùy theo nội quy công ty).
Mức 150% (ngày làm thêm thường), 200% (ngày nghỉ hằng tuần) và 300% (ngày nghỉ lễ, Tết.)
30%: phụ cấp làm việc ban đêm
20% x tiền lương giờ ban ngày: phụ cấp thêm cho làm thêm giờ ban đêm. Tiền lương giờ ban ngày được tính theo mức 100% (ngày thường), 150% (nếu đã làm thêm ban ngày), 200% (ngày nghỉ) hoặc 300% (ngày lễ, Tết).
Số giờ làm thêm ban đêm là số giờ làm thêm từ 22 giờ tối đến 6 giờ sáng.
Ví dụ minh họa:
Anh Hoàng làm thêm 6 giờ ban đêm vào ngày thường, lương giờ thực trả là 37.500 VND/ giờ.
Vậy tiền lương làm thêm ban đêm của anh = (37.500 × 150%) + (37.500 × 30%) + (20% × 37.500 × 150%) × 6 = 472.500 đồng.
Cách tính lương làm thêm giờ vào ban đêm (hưởng lương theo sản phẩm)
Công thức:
Tiền lương làm thêm giờ ban đêm = (đơn giá sản phẩm × mức 150%, 200%, hoặc 300%) + (đơn giá sản phẩm × 30%) + (20% × đơn giá sản phẩm ban ngày) × số sản phẩm làm thêm ban đêm
Trong đó:
- Đơn giá sản phẩm là giá tiền cho mỗi sản phẩm hoàn thành trong ngày làm việc bình thường.
- Mức 150% (ngày làm thêm thường), 200% (ngày nghỉ hằng tuần) và 300% (ngày nghỉ lễ, Tết.
- 30%: phụ cấp làm việc ban đêm.
- 20% × đơn giá sản phẩm ban ngày: phụ cấp thêm, với đơn giá ban ngày tính theo mức 100% (ngày thường), 150% (nếu đã làm thêm ban ngày), 200% (ngày nghỉ) hoặc 300% (ngày lễ, Tết).
- Số sản phẩm làm thêm ban đêm: số sản phẩm hoàn thành trong giờ làm thêm ban đêm.
Ví dụ minh họa:
Chị Lan làm thêm 10 sản phẩm ban đêm vào ngày thường, đơn giá sản phẩm 10.000 đồng.
Tiền lương làm thêm ban đêm = (10.000 × 150%) + (10.000 × 30%) + (20% × 10.000 × 150%) × 10 = 210.000 đồng.
Lưu ý quan trọng:
Doanh nghiệp cần thống nhất số ngày công chuẩn (thường là 26 ngày/ tháng) theo nội quy đã phê duyệt. Trong tháng ngắn (như tháng 2), công chuẩn vẫn như thế này, trừ khi có hướng dẫn khác từ cơ quan quản lý.
Những sai lầm thường gặp khi tính lương làm thêm giờ và cách khắc phục
Vượt quá thời gian làm thêm giờ cho phép
Sai lầm:
Một số doanh nghiệp yêu cầu người lao động làm thêm giờ vượt quá giới hạn thời gian làm thêm giờ pháp luật cho phép.
Cách khắc phục:
Theo điều 107, Luật lao động 2019, doanh nghiệp cần:
- Đảm bảo tổng thời gian làm việc (bao gồm giờ làm thêm) không quá 12 giờ/ ngày.
- Giới hạn tổng số giờ làm thêm không quá 40 giờ/ tháng và 200 giờ/ năm hoặc 300 giờ/ năm cho các ngành đặc thù như dệt may, da giày, điện tử hoặc các trường hợp khẩn cấp).
Tính thuế thu nhập cá nhân không chính xác
Sai lầm:
Một số doanh nghiệp tính thuế (thu nhập cá nhân) TNCN trên toàn bộ số tiền làm thêm giờ, trong khi đó phần chênh lệch giữa lương làm thêm giờ và lương giờ làm việc bình thường được miễn thuế theo quy định.
Cách khắc phục:
Theo Thông tư 111/2013/TT-BTC, phần thu nhập làm thêm giờ cao hơn so với giờ làm việc bình thường không chịu thuế TNCN. Do đó, doanh nghiệp cần tách biệt phần lương làm thêm giờ vượt trội so với lương làm việc bình thường. Điều này giúp người lao động chỉ bị tính thuế TNCN trên phần lương làm thêm giờ tương đương với lương giờ làm việc bình thường.
Ví dụ:
Nếu lương giờ làm việc bình thường là 50.000 VND/giờ, lương làm thêm giờ là 80.000 VND/giờ, thì 30.000 VND/giờ (phần chênh lệch) sẽ không chịu thuế TNCN.
Quy trình tính lương không rõ ràng
Sai lầm:
Một số doanh nghiệp không công khai cách tính lương làm thêm giờ hoặc không giải thích rõ ràng cho người lao động, dẫn đến hiểu lầm hoặc tranh chấp.
Cách khắc phục:
Doanh nghiệp nên công khai quy trình tính lương làm thêm giờ trong nội quy công ty và hợp đồng lao động. Để rõ ràng hơn nữa, bạn có thể cung cấp thêm bảng lương chi tiết cho người lao động, nêu rõ cách tính tiền lương giờ làm việc bình thường, tiền lương làm thêm giờ và các khoản khấu trừ (nếu có). Bạn cũng nên tổ chức các buổi đối thoại định kỳ với người lao động để giải đáp thắc mắc và cập nhật quy định mới nhất.
Chúng tôi đã liệt kê các công thức tính lương làm thêm giờ rất cụ thể theo từng trường hợp theo giờ, theo sản phẩm và làm ban đêm. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp của bạn có nhiều loại phụ cấp khó phân loại hoặc áp dụng cách tính lương làm thêm giờ theo ca. Với 17 năm kinh nghiệm tư vấn cho nhiều doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, KMC có thể giúp bạn xây dựng quy chế tính lương đúng luật.