Có thực hiện được việc chuyển nhượng cổ phần giữa các cá nhân không cư trú với nhau không? Hồ sơ khai thuế đối với cá nhân không cư trú trong trường hợp này gồm những gì?

Trả lời:

Việc chuyển nhượng cổ phần giữa những cá nhân không cư trú là hoàn toàn thực hiện bình thường.

Căn cứ khoản 6 điều 21 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung khoản 5, Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính:

“5. Khai thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán

… b) Hồ sơ khai thuế

Hồ sơ khai thuế đối với cá nhân chuyển nhượng chứng khoán thuộc diện khai trực tiếp với cơ quan thuế hướng dẫn tại tiết a.3 khoản này gồm:

– Tờ khai mẫu số 04/CNV-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC;

– Bản chụp Hợp đồng chuyển nhượng chứng khoán”.

Doanh nghiệp A bị Cơ Quan thuế kiểm tra và phát hiện có 01 hóa đơn đầu vào (Liên 2) đã kê khai thuế GTGT và tính vào chi phí của Doanh nghiệp nhưng hóa đơn này bên bán chưa làm Thông báo phát hành hóa đơn. Tổng trị giá 1 hóa đơn là 1 tỷ đồng (Thuế GTGT là 100tr). Cơ quan Thuế yêu cầu xuất toán toàn bộ chi phí và thuế GTGT đầu vào đã khấu trừ, truy thu và phạt chậm nộp Lý do: “Hóa đơn bất hợp pháp do bên bán chưa làm thông báo phát hành hóa đơn”. Khoản chi phí và thuế GTGT nêu trên có thể được kê khai và tính là chi phí hợp lý không? Nếu được thì kế toán công ty A phải xử lý như thế nào để hợp lý chi phí và thuế GTGT với Cơ Quan Thuế?

Trả lời:

Kế toán có thể làm được và tiến hành giải trình bảo vệ Thuế GTGT và chi phí như sau:

Theo quy định tại Điều 22 Thông tư 39/2014/TT-BTC thì hóa đơn chưa hoàn thành việc thông báo phát hành là hóa đơn bất hợp pháp. Nhưng quy định tại Khoản 2 Điều 10 Thông tư 10/2014/TT-BTC đối với hành vi không lập thông báo phát hành hóa đơn trước khi hóa đơn đưa vào sử dụng thì:

“… b) Phạt tiền 6.000.000 đồng đối với hành vi không lập Thông báo phát hành hóa đơn trước khi hóa đơn được đưa vào sử dụng nếu các hóa đơn này gắn với nghiệp vụ kinh tế phát sinh đã được kê khai, nộp thuế theo quy định.

  1. c) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với hành vi không lập Thông báo phát hành hóa đơn trước khi hóa đơn được đưa vào sử dụng nếu các hóa đơn này gắn với nghiệp vụ kinh tế phát sinh nhưng chưa đến kỳ khai thuế. Người bán phải cam kết kê khai, nộp thuế đối với các hóa đơn đã lập trong trường hợp này.

Trường hợp người bán có hành vi vi phạm quy định tại điểm b và điểm c Khoản  này và đã chấp hành Quyết định xử phạt, người mua hàng được sử dụng hoá đơn để kê khai, khấu trừ, tính vào chi phí theo quy định ”

 Như vậy, đối với các hóa đơn người bán chưa thông báo phát hành nhưng đã sử dụng, người mua hàng muốn sử dụng hóa đơn đó để kê khai, khấu trừ thuế, tính vào chi phí khi tính thuế TNDN thì:

  • Yêu cầu bên bán cung cấp biên bản phạt (bản photocopy) đối với việc xuất hóa đơn chưa thông báo phát hành
  • Yêu cầu bên bán cung cấp biên lai, chứng từ (bản photocopy) chứng minh việc đã tiến hành nộp phạt đối với hành vi sử dụng hóa đơn chưa thông báo phát hành.

Kết luận:

Với tình huống trên thì nếu bên bán đã kê khai nộp thuế và chấp hành quy định xử phạt của Cơ Quan Thuế rồi thì bên mua được phép sử dụng hóa đơn đó để kê khai, khấu trừ, tính vào chi phí theo quy định.

(Còn trường hợp bên Bán không kê khai và chấp hành quy định xử phạt của Cơ Quan Thuế => Thì bên mua bị loại hóa đơn trên không được kê khai khấu trừ và loại không được tính vào chi phí được trừ.)

Lưu ý:

Qua tình huống trên, các bạn kế toán lưu ý khi nhận hóa đơn thì vào trang: tracuuhoadon.gdt.gov.vn của Tổng Cục Thuế để tra cứu xem hóa đơn đó đã được phát hành hay chưa.

Trường hợp Công ty thưởng cho cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong năm bằng cách mua tour du lịch thì có tính vào thu nhập chịu thuế TNCN hay không?

Trả lời:

Căn cứ khoản 2, điều 2, Thông tư 111/2013/TT-BTC hướng dẫn về thuế TNCN, quy định các khoản thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công bao gồm các khoản lợi ích khác (chi cho người lao động trong các ngày nghỉ, lễ, thuê dịch vụ tư vấn, kê khai thuế, chi cho người giúp việc gia đình như lái xe, người nấu ăn…..) và khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức, …

Do đó, trường hợp Công ty có thưởng tour du lịch cho các nhân viên đạt thành tích xuất sắc trong năm thì đây là khoản chi có tính chất phúc lợi và xác định được đích danh người thụ hưởng nên Công ty phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công của người lao động để khấu trừ, kê khai nộp thuế TNCN theo quy định.

Trong quá trình thành lập, công ty có uỷ quyền cho một cá nhân đại diện đứng ra chi trả các khoản chi phí liên quan đến thành lập công ty, các chi phí này đều có hóa đơn GTGT mang tên cá nhân đó, xin hỏi doanh nghiệp tôi có được khấu trừ thuế giá trị gia tăng của các chi phí nêu trên không?

Trả lời:

Tại điểm 12.b, điều 14, thông tư 219 năm của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng quy định trường hợp doanh nghiệp trước khi thành lập, các sáng lập viên có văn bản ủy quyền cho tổ chức, cá nhân thực hiện chi hộ một số khoản chi phí liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp, mua sắm hàng hóa, vật tư thì doanh nghiệp được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào theo hóa đơn giá trị gia tăng đứng tên tổ chức, cá nhân được ủy quyền và phải thực hiện thanh toán cho tổ chức, cá nhân được ủy quyền qua ngân hàng đối với những hóa đơn có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên.

Căn cứ quy định nêu trên, doanh nghiệp bạn được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào của các hóa đơn phát sinh trong quá trình thành lập doanh nghiệp mang tên của các cá nhân đã được ủy quyền và để được khấu trừ thì phải có đầy đủ văn bản ủy quyền, hóa đơn theo quy định và phải thanh toán qua ngân hàng đối với với những hoá đơn có giá trị trên 20 triệu đồng.

Trường hợp Công ty cung cấp dịch vụ, đã xuất hóa đơn cho người mua và đã thực hiện kê khai thuế GTGT theo quy định. Sau đó, bên mua vi phạm nội dung hợp đồng đã thỏa thuận, hai bên quyết định hủy hợp đồng đã ký thì việc xử lý hóa đơn GTGT đã lập trong trường hợp này được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Điểm 2.8 Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính quy định:

“2.8. Tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, người bán đã xuất hóa đơn, người mua đã nhận hàng, nhưng sau đó người mua phát hiện hàng hóa không đúng quy cách, chất lượng phải trả lại toàn bộ hay một phần hàng hóa, khi xuất hàng trả lại cho người bản, cơ sở phải lập hóa đơn, trên hóa đơn ghi rõ hàng hóa trả lại người bán do không đúng quy cách, chất lượng, tiền thuế GTGT (nếu có).

Trường hợp người mua là đối tượng không có hóa đơn, khi trả lại hàng hóa, bên mua và bên bán phải lập biên bản ghi rõ loại hàng hóa, số lượng, giá trị hàng trả lại theo giá không có thuế GTGT, tiền thuế GTGT theo hóa đơn bán hàng (số ký hiệu, ngày, tháng của hóa đơn), lý do trả hàng và bên bán thu hồi hóa đơn đã lập.”

Trong trường hợp này thì việc xử lý hóa đơn đã lập được thực hiện như trường hợp hàng bán bị trả lại theo hướng dẫn tại Điểm 2.8 Phụ lục 04 Thông tư số 39/2014/TT-BTC nêu trên. Công ty căn cứ thỏa thuận hủy hóa đơn đã ký giữa các bên và các hồ sơ xử lý hóa đơn trong trường hợp hàng bán bị trả lại theo hướng dẫn nêu trên để kê khai điều chỉnh doanh thu, thuế GTGT đầu ra và lập hồ sơ khai bổ sung điều chỉnh thuế GTGT, thuế TNDN theo hướng dẫn tại các văn bản pháp luật về luật quản lý thuế hiện hành.

Công ty được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam có ký hợp đồng mua dịch vụ của nhà thầu nước ngoài mà nhà thầu đó có ký hợp đồng lao động với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Theo đó, Công ty Việt Nam sẽ thông báo cho bên nhà thầu nước ngoài về nghĩa vụ nộp thuế nhà thầu. Ngoài ra Công ty Việt Nam có cần thông báo cho bên nước ngoài về nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân cho người lao động nước ngoài hay không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP thì đối tượng phải đăng ký thuế thu nhập cá nhân gồm:

“Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công kể cả cá nhân nước ngoài làm việc cho Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài tại Việt Nam.”

Do đó bên Công ty Việt Nam có trách nhiệm thông báo cho nhà thầu nước ngoài về nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân của người lao động nước ngoài và về trách nhiệm cung cấp các thông tin về người lao động nước ngoài, gồm: danh sách, quốc tịch, số hộ chiếu, thời gian làm việc, công việc đảm nhận, thu nhập cho bên Việt Nam để bên Việt Nam cung cấp cho cơ quan thuế chậm nhất trước 07 ngày kể từ ngày cá nhân nước ngoài bắt đầu làm việc tại Việt Nam.

Công ty thành lập năm 2008, theo giấy phép thì Công ty được áp dụng ưu đãi thuế TNDN theo địa bàn (Thuế suất 15% trong 12 năm; miễn thuế 3 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 7 năm tiếp theo). Tuy nhiên, đến năm 2016 Công ty thực hiện đầu tư mở rộng (Tăng vốn đầu tư) nhưng thời điểm này thì địa bàn nơi Công ty đăng ký kinh doanh không được hưởng ưu đãi thuế TNDN nữa. Vậy xác định số thuế TNDN phải nộp như thế nào?

Trả lời:

Sau khi thực hiện đầu tư mở rộng mà địa bàn Công ty kinh doanh không được hưởng ưu đãi thuế nữa thì phần thu nhập tăng thêm từ đầu tư mở rộng không được hưởng ưu đãi thuế TNDN.

Xác định dự án đầu tư mở rộng khi đáp ứng 1 trong 3 điều kiện (Theo hướng dẫn tại khoản 4 điều 10 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015):

  • Nguyên giá TSCĐ tăng thêm tối thiểu từ 20 tỷ
  • Tỷ trọng nguyên giá TSCĐ tăng thêm tối thiểu đạt 20%
  • Công suất thiết kế khi đầu tư mở rộng tăng thêm 20%

Như vậy:

Nếu tách riêng được phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng thì phần thu nhập này không được hưởng ưu đãi thuế TNDN.

Trường hợp không tách riêng được phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng thì phân bổ theo tỷ trọng của TSCĐ hoặc công suất thiết kế tăng thêm do đầu tư mở rộng. Phần thu nhập này sẽ không được hưởng ưu đãi thuế TNDN.

Nhân viên trong công ty muốn đăng ký giảm trừ gia cảnh cho ông bà ngoại, nội bên chồng hoặc vợ thì công ty có gặp rủi ro nào không?

Trả lời:

Về đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc không nơi nương tựa (Ông bà Ngoại (Nội) bên chồng hoặc vợ), theo TT111/2013/TT-BTC hướng dẫn như sau:

Tại điểm d, khoản 1, điều 9 quy định “d.4) Các cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng và đáp ứng điều kiện tại điểm đ, khoản 1, Điều này bao gồm:

d.4.1) Anh ruột, chị ruột, em ruột của người nộp thuế.

d.4.2) Ông nội, bà nội; ông ngoại, bà ngoại; cô ruột, dì ruột, cậu ruột, chú ruột, bác ruột của người nộp thuế.

d.4.3) Cháu ruột của người nộp thuế bao gồm: con của anh ruột, chị ruột, em ruột.

d.4.4) Người phải trực tiếp nuôi dưỡng khác theo quy định của pháp luật.

=> Điểm này quy định là ông bà nội, ông bà ngoại ruột, không phải ông bà nội, ông bà ngoại bên vợ ( hoặc chồng) do đó trong trường hợp này nếu công ty chấp nhận đăng ký giảm trừ, công ty sẽ gặp rủi ro là cơ quan thuế không chấp nhận khoản giảm trừ này, bị truy thu thuế thu nhập cá nhân và bị phạt.

Trường hợp công ty chấp nhận rủi ro và đồng ý đăng ký giảm trừ, công ty chuẩn bị các hồ sơ theo điểm g, khoản 1, điều 9 quy định về hồ sơ chứng minh người phụ thuộc:

g.4) Đối với các cá nhân khác theo hướng dẫn tại tiết d.4, điểm d, khoản 1, Điều này hồ sơ chứng minh gồm:

g.4.1) Bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Giấy khai sinh.

g.4.2) Các giấy tờ hợp pháp để xác định trách nhiệm nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật.

Các giấy tờ hợp pháp tại tiết g.4.2, điểm g, khoản 1, Điều này là bất kỳ giấy tờ pháp lý nào xác định được mối quan hệ của người nộp thuế với người phụ thuộc như:

– Bản chụp giấy tờ xác định nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật (nếu có).

– Bản chụp sổ hộ khẩu (nếu có cùng sổ hộ khẩu).

– Bản chụp đăng ký tạm trú của người phụ thuộc (nếu không cùng sổ hộ khẩu).

– Bản tự khai của người nộp thuế theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người nộp thuế cư trú về việc người phụ thuộc đang sống cùng.

– Bản tự khai của người nộp thuế theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người phụ thuộc đang cư trú về việc người phụ thuộc hiện đang cư trú tại địa phương và không có ai nuôi dưỡng (trường hợp không sống cùng)

Tại sao hàng hóa nhập khẩu qua kho ngoại quan có khả năng chịu thuế nhà thầu?

Trả lời:

Tổng quan về Kho ngoại quan:

  • Khái niệm: là khu vực kho, bãi được ngăn cách với khu vực xung quanh để tạm lưu giữ, bảo quản hoặc thực hiện các dịch vụ đối với hàng hoá từ nước ngoài hoặc từ trong nước đưa vào kho theo hợp đồng thuê kho ngoại quan được ký giữa chủ kho ngoại quan và chủ hàng dưới sự kiểm tra, giám sát của Hải quan.
  • Hàng hóa được nhập khẩu thông qua kho ngoại quan dưới hình thức sau:

Bước 1: Hàng hóa được các nhà thầu nước ngoài đưa hàng vào kho ngoại quan (từ nước ngoài).

Bước 2: Hàng hóa được chuyền quyền sở hữu (bán) cho các doanh nghiệp Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp chế xuất).

Bước 3: Doanh nghiệp Việt Nam tiến hành làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa.

Như vậy, hàng hóa được cung cấp theo hình thức trên có điểm giao, nhận nằm tại kho ngoại quan. Hay nói cách khác, địa điểm giao, nhận hàng hóa nằm trong lãnh thổ Việt Nam.

Theo điều 1, thông tư 103/2014/TT-BTC đối tượng áp dụng cho trường hợp:

  1. Tổ chức nước ngoài kinh doanh có cơ sở thường trú tại Việt Nam hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài kinh doanh là đối tượng cư trú tại Việt Nam hoặc không là đối tượng cư trú tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài) kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận, hoặc cam kết giữa Nhà thầu nước ngoài với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc giữa Nhà thầu nước ngoài với Nhà thầu phụ nước ngoài để thực hiện một phần công việc của Hợp đồng nhà thầu.
  2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa tại Việt Nam theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ và có phát sinh thu nhập tại Việt Nam trên cơ sở Hợp đồng ký giữa tổ chức, cá nhân nước ngoài với các doanh nghiệp tại Việt Nam (trừ trường hợp gia công và xuất trả hàng hóa cho tổ chức, cá nhân nước ngoài) hoặc thực hiện phân phối hàng hóa tại Việt Nam hoặc cung cấp hàng hóa theo điều kiện giao hàng của các điều khoản thương mại quốc tế – Incoterms mà người bán chịu rủi ro liên quan đến hàng hóa vào đến lãnh thổ Việt Nam.

Do đó, trường hợp Công ty Nước ngoài sử dụng kho ngoại quan tại Việt Nam để thực hiện việc bán và giao hàng cho Công ty tại Việt Nam thì Công ty Nước ngoài phải có nghĩa vụ nộp thuế nhà thầu đối với thu nhập phát sinh tại Việt Nam.